Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu trong nhiều kỳ họp đã nhấn mạnh việc đầu tư, xây dựng và đưa vào sử dụng các tuyến đường này sẽ tạo ra sự liên kết, kết nối vùng Bà Rịa Vũng Tàu với các tỉnh miền Tây và Đông Nam bộ. Cụ thể là các công trình cầu Phước An, đường Long Sơn - Cái Mép, đặc biệt là cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sẽ góp phần giải tỏa áp lực cho Quốc lộ 51, tăng sức cạnh tranh cho hệ thống cảng Cái Mép-Thị Vải. Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh cũng khẳng định: “Việc đầu tư hạ tầng giao thông để nối cảng cửa ngõ với sân bay quốc tế, kết nối các KCN trong vùng với cảng, để khơi thông nguồn hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất nhập khẩu là việc phải làm. Đặc biệt, từ khi CM-TV dần tăng năng suất, đón những siêu tàu container thì nhu cầu về giao thông liên vùng càng bức thiết. Việc này không thể chậm trễ hơn nữa”.
Hướng ra biển Đông, là cửa ngõ vùng kinh tế trọng điểm miền Đông Nam bộ, Bà Rịa Vũng Tàu có đồng bằng, rừng núi, biển và các nguồn lợi từ biển bảo đảm cho sự phát triển bền vững. Cùng với Vũng Tàu, trên địa bàn Long Điền, Đất Đỏ, Xuyên Mộc, các cụm du lịch biển trong những năm gần đây phát triển mạnh mẽ. Liên hợp các khu du lịch Hồ Cốc - Hồ Tràm - Suối nước nóng Bình Châu đang ngày một trở nên thu hút du khách từ khắp muôn phương. Xa hơn nữa là Côn Đảo đang ngày một hấp dẫn du khách muôn phương không chỉ vì những giá trị văn hóa của di tích lịch sử mà còn mê hoặc họ bởi giờ đây còn có cả du lịch sinh thái với các tuyến tham quan hòn Bảy Cạnh, Hòn Cau, Hòn Tre…
30 năm qua, với 7 kỳ Đại hội, Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh đã phát huy tính chủ động, sáng tạo, khắc phục khó khăn, từng bước khẳng định và đã đạt được những thành tựu quan trọng, khá toàn diện, có nhiều mặt phát triển mạnh mẽ. Kinh tế phát triển, chính sách xã hội được quan tâm thực hiện, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng lên. Năm 1992 thu nhập GDP bình quân đầu người không tính dầu khí khoảng 450 USD/năm; đến năm 2019 đã tăng lên 6.903 USD/năm, gấp 12 lần so với năm 1992, gấp 4 lần so với bình quân chung của cả nước.
“Từ năm 2021, việc thực hiện “Đề án phát triển đô thị thông minh tỉnh” sẽ tiến thêm một bước mới. Gần đây nhất, TP.Vũng Tàu đã vận hành Trung tâm đô thị thông minh. Trong tương lai, nhiều hoạt động kinh tế, xã hội sẽ được “số hóa” và mang lại rất nhiều tiện ích cho người dân. Chúng ta hoàn toàn tin tưởng, kiên định mục tiêu phát triển bền vững và tranh thủ tích cực thành tựu của vào cuộc cách mạng 4.0, là những điều kiện cốt lõi để Bà Rịa Vũng Tàu có thể trở thành một tỉnh hạnh phúc, đáng sống bậc nhất ở Việt Nam”, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Viết Thanh khẳng định.
Được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm tỷ trọng hơn 58% trong cơ cấu kinh tế của Bà Rịa Vũng Tàu, trong 30 năm qua, ngành công nghiệp có bước phát triển nhanh, tạo được nhiều sản phẩm mới giá trị cao.
BR-VT luôn thực hiện nhất quán quan điểm phát triển công nghiệp theo chiều sâu, có chọn lọc. Nhờ đó, công nghiệp tiếp tục duy trì vai trò là ngành động lực, đóng góp lớn nhất trong cơ cấu kinh tế, từng bước đưa Bà Rịa Vũng Tàu trở thành tỉnh kiểu mẫu về phát triển công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường.
Cụ thể, tỉnh đẩy mạnh thu hút đầu tư, chú trọng các dự án có quy mô lớn, đồng thời ưu tiên thu hút phát triển các lĩnh vực công nghệ cao. Nhờ đó, đến nay nhiều tập đoàn kinh tế, công nghiệp lớn trên thế giới, như: Kyoei, Nippon, Sumitomo, Itochu, Mitsubishi, Posco, ACDL, CJ, Lotte, BP, SCG, Hyosung... đều đã có mặt tại BR-VT. Một số DN đầu tư hiệu quả, từng bước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Các DN ứng dụng công nghệ cao để tạo ra sản phẩm công nghiệp chất lượng cao, có giá trị gia tăng đạt 70% tổng giá trị sản phẩm. Đến năm 2020, giá trị sản xuất của ngành công nghiệp hỗ trợ chiếm khoảng 20% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp. Quy hoạch, không gian các KCN được điều chỉnh phù hợp với mục tiêu phát triển ngành công nghiệp của tỉnh, trong đó đã điều chỉnh diện tích KCN B1- Conac, thay đổi công năng KCN dầu khí Long Sơn, thành lập mới KCN ứng dụng công nghệ cao Hắc Dịch; KCN Phú Mỹ 3, KCN Đá Bạc cơ bản đã hoàn thiện hạ tầng và thu hút được nhiều dự án công nghệ hiện đại, năng lượng sạch, thân thiện với môi trường.
Cùng với đó, định hướng làm giàu từ cảng biển và dịch vụ hậu cảng trong tương lai có thể thay thế lợi ích từ khai thác dầu khí cũng đang trở thành sự thật. Từ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ V, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tuấn Minh khẳng định, cảng biển là “xương sống” trong phát triển kinh tế xã hội của BR-VT. Còn đối với các chuyên gia kinh tế, hệ thống cảng biển BR-VT sẽ tạo đòn bẩy, là đầu tàu để thúc đẩy kinh tế của tỉnh và của cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đến Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VI, việc khai thác thế mạnh từ kinh tế biển được định hình rõ nét hơn. “Để có nền kinh tế phát triển bền vững, Bà Rịa Vũng Tàu sẽ tập trung đẩy mạnh 4 trụ cột kinh tế là công nghiệp, cảng biển, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao”, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh khẳng định.
Tính đến nay, toàn tỉnh có 47 cảng đang hoạt động với tổng công suất khoảng 137,4 triệu tấn/năm. Đáng chú ý, từ năm 2017, Cảng Quốc tế Cái Mép (CMIT) đã đón được tàu container có trọng tải đến 194.000 tấn cập cảng, đi thẳng sang các nước châu Âu, châu Mỹ, không qua trung chuyển. Cung đường vận chuyển hàng hóa Việt Nam đi thẳng châu Âu và Bắc Mỹ không qua cảng trung chuyển đầu tiên của Việt Nam, xuất phát từ BR-VT đã rút ngắn lịch trình xuống 3-4 ngày/chuyến. Có tuyến, có luồng, có chân hàng từ Tây Nguyên, TP.Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Tây Nam bộ và khu vực Đông Nam bộ - đó là lợi thế cạnh tranh của hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải so với các cụm cảng khác trên cả nước trong việc đem lại hiệu quả kinh tế cho địa phương và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Quý khách điền thông tin bên dưới chúng tôi sẽ liên hệ trong thời gian sớm nhất